Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng phải trải qua thời gian học tập, ra trường, đi làm, thay đổi nơi công tác… lẫn lộn biết bao kỷ niệm vui buồn. Trong cuộc đời làm nghề dạy học, đã để lại biết bao những ấn tượng không thể nào quên trong lòng mỗi chúng ta.
Đồng chí Lê Thị Long đã có 35 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục - Sự nghiệp trồng người. 35 năm đó, đồng chí đã dành hơn 30 năm để gắn bó với Trường mầm non Kỳ Lợi, trên cương vị là hiệu trưởng.
Vốn đam mê với nghề giáo, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã thôi thúc trong tâm hồn cô giáo Lê Thị Long - Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng trường Mầm non Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà tĩnh, người đã dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp trồng người trong 35 năm. Với gia đình cô là người mẹ, người vợ mẫu mực, trách nhiệm. Với bạn bè đồng nghiệp cô là người lãnh đạo tận tụy với công việc, luôn cầu thị và có nhiều công sức đóng góp xây dựng tập thể, cô không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện, sáng tạo, lấy kết quả công việc lên hàng đầu, là thành công của tập thể để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đó là những lời tốt đẹp mà nhiều đồng nghiệp dành cho cô giáo Lê Thị Long.
Tôi không có ý định vẽ chân dung một nhà giáo - Hiệu trưởng trường Mầm non Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, mà chỉ xin phác họa về cô, một người có tác phong nhanh nhẹn, phong cách bình dị, gần gũi của người lãnh đạo đối với đồng nghiệp. Cô có đôi mắt sáng, nụ cười tươi tắn và luôn say sưa với công việc. Cô có thâm niên công tác trong ngành Giáo dục với 35 năm gắn bó vớ sự nghiệp trồng người. Từ một Cán bộ quản lý trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, trở thành một Cán bộ quản lý giỏi là cả một quá trình phấn đấu nổ lực không ngừng của cô giáo Lê Thị Long.
Tốt nghiệp trường sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Nghệ An, năm 1987 cô bắt đầu vào nghề và có Quyết định làm Hiệu trưởng tại trường mẫu giáo Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay là Trường Mầm non Kỳ Thọ. Một sinh viên từ huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh mới chập chững bước vào nghề nhưng không ngại với khoảng cách địa lý với hơn 60km cô sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầy trọng trách được cấp trên giao phó làm Cán bộ quản lý. Với 5 năm công tác Quản lý tại trường Mầm non Kỳ Thọ, từ một vài nhóm lớp học tạm tại nhà dân, cô bắt tay vào đi vận động từ giáo viên đến trẻ cô đã nhen nhóm được 7 nhóm lớp Mẫu giáo học rải rác tại các hội trường thôn.
Vào với mảnh đất heo hút đầy nắng và gió tại huyện Kỳ Anh cô đã có duyên gắn bó với mảnh đất này. Đến năm 1990 cô lập gia đình và có 02 người con.
Đến năm 1992 cô có Quyết định chuyển vào làm Hiệu trưởng trường Mầm non Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đúng là “Như cánh chim không mỏi” vượt một quãng đường dài hơn 30km từ nhà đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch với dáng người nhỏ nhắn cô lại bắt tay vào nhen nhóm những nhóm lớp đầu tiên tại một xã nghèo ven biển. Khó khăn lại chồng chất khó khăn cô vẫn vững vàng vượt qua đầy tâm huyết với công việc. từ năm 1992 đến nay cô được tín nhiệm làm Hiệu trưởng trường mầm non Kỳ Lợi. Cho dù ở bất cứ cương vị nào thì cô giáo Lê Thị Long vẫn thể hiện được vai trò đầy trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với cô Long trên cương vị là người quản lý, lãnh đạo, cô luôn chọn giải pháp phù hợp với từng công việc, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy học sinh làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Vì vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, cô đã cùng Ban giám hiệu nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập, phấn đấu, rèn luyện trong tập thể Cán bộ, giáo viên, tổ chức ký kết giao ước thi đua cho từng tổ Chuyên môn nhằm cụ thể hoá nhiệm vụ năm học theo các tiêu chí thi đua của ngành giáo dục phát động. Cô đã cụ thể hóa các nội dung của việc học tập và làm theo lời Bác thông qua các hoạt động giáo dục như: Đổi mới phương pháp dạy học, phấn đấu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng môi trường Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Cụ thể, tập trung vào các chuyên đề của từng năm học, kết hợp với việc thường xuyên đổi mới công tác quản lý, điều hành, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo chuyên môn của người Hiệu trưởng nhà trường đến từng bộ phận, tổ chuyên môn và tập thể Cán bộ giáo viên trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Cô là người có năng lực quản lý, tuy có chút nghiêm khắc và tính nguyên tắc nhưng thực sự cô là một người có tấm lòng nhân hậu, tâm huyết và không ngừng sáng tạo, luôn quan tâm đến công việc và đời sống của cán bộ giáo viên, đặc biệt các đồng chí giáo viên có hoàn cảnh khó khăn ốm đau bệnh tật bằng việc hỏi thăm, động viên cố gắng một cách chân tình. Cô luôn tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khuyến khích giáo viên đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy. Trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp, cô luôn quan tâm động viên chia sẻ kinh nghiệm cho giáo viên. Là người đứng đầu chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường, cô không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đổi mới phương pháp giáo dục và diện mạo của ngôi trường ngày một khang trang, sạch, đẹp mà còn tham mưu với các cấp lãnh đạo tu sửa cơ sở vật chất, tôn tạo sân chơi vận động cho trẻ và xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Là người đứng đầu đơn vị, cô luôn gương mẫu, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Cô sắp xếp công việc một cách khoa học, đạt hiệu quả cao. Mỗi công việc trong trường đều được cô giải quyết thấu đáo, công việc có khó khăn đến đâu cũng được cô tháo gỡ. Cô có phong thái của một nhà lãnh đạo, biết quan sát và không ngừng học hỏi. Cô còn là một người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn trong việc nâng cao tay nghề cho giáo viên và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Là một Hiệu trưởng nhưng cô rất say sưa trong công tác chuyên môn. Là “Cánh chim không mỏi” với nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc làm đồ dùng đồ chơi. Ngoài ra, cô luôn khuyến khích giáo viên tìm tòi, sáng tạo làm đồ dùng dạy học cho trẻ. Cô luôn sẵn sàng tư vấn về kinh nghiệm quản lý, kiến thức chuyên môn với đồng nghiệp. Đặc biệt, cô luôn quan tâm đến những giáo viên mới về trường - người cần sự giúp đỡ nhất, cô luôn sát sao, dìu dắt về chuyên môn giúp họ tiến bộ hơn. Cô thường xuyên dự giờ và đóng góp ý kiến giúp mỗi giáo viên tiến bộ hàng ngày. Ở bên cô, chúng tôi thấy mình được trưởng thành hơn mỗi ngày. Trong cuộc sống, cô luôn giữ gìn lối sống mẫu mực, giản dị, có mối quan hệ thân thiện, hòa nhã với mọi người xung quanh. Trong gia đình, cô là một người con hiếu thảo, là người phụ nữ đảm đang, chu toàn mọi công việc, các con của cô đều chăm ngoan, học giỏi, có việc làm ổn định cô có cuộc sống hạnh phúc bình dị cùng gia đình và được mọi người yêu quý, kính trọng. Điều đó được thể hiện vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 tại trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội cô được Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen Vinh danh giáo viên tiêu biểu.
Ba mươi lăm năm công tác trong ngành giáo dục, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn coi trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ, luôn đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân. Bản thân cô với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nhiều năm liền cô luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Chủ tịch UBND thị xã tặng giấy khen. Ngoài ra nhiều năm cô còn đạt Sáng kiến kinh nghiệm bậc 3, bậc 4 cấp thị. Với sự quản lý chỉ đạo sáng tạo của cô trong những năm học vừa qua nhà trường luôn đạt kết quả trong các phong trào thi đua nhiều năm liền nhà trường đạt danh hiệu thi đua “Tập thể Lao động tiên tiến” cấp thị. Và hơn tất cả là sự tin yêu của phụ huynh học sinh đối với cô và đối với nhà trường, là tình cảm yêu thương đoàn kết của tập thể cán bộ giáo viên trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi thầm nghĩ phẩm chất quan trọng của một người giáo viên là lòng yêu nghề. Yêu nghề là cơ sở, là nền tảng cho những phẩm chất đạo đức khác. Yêu nghề mới có khát vọng tìm kiếm biện pháp cải tiến giảng dạy, cải tiến công tác quản lý. Những điều đó luôn hội tụ ở cô Lê Thị Long, một người có năng lực, hết lòng với công việc, có lối sống hòa đồng, gần gũi với đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh yêu mến, thật xứng đáng là tấm gương mẫu mực để đồng nghiệp, mọi người học tập và noi theo. Đối với chúng tôi, Cô giáo Lê Thị Long – Nguyên là Hiệu trưởng nhà trường không chỉ là người lãnh đạo nhiệt huyết, tận tâm đầy năng lực, một đồng chí thẳng thắn chân tình, một người “Mẹ thứ hai” gần gũi yêu thương. Hơn thế nữa là một người nếu soi vào Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là lòng “Yêu thương con người” được thể hiện qua hoạt động từ thiện mà cô thường xuyên tham gia đóng góp ủng hộ bẳng cả tấm lòng, tình yêu thương. Đối với chúng tôi, cô thực sự là tấm gương để tập thể giáo viên trường Mầm non Kỳ Lợi học tập rèn luyện và noi theo để cống hiến cho mái trường thân yêu của mình.
Thời gian thấm thoát trôi qua, đồng chí đã được về nghỉ theo chế độ, dù biết đó là thuận theo lẽ tự nhiên, vậy nhưng đến lúc phải chia tay chúng ta ai cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động, không muốn rời xa cô dù biết đó là điều không thể.
Giá như cuộc đời giáo viên ai cũng được như mong muốn vì cuộc đời nhà giáo chỉ đẹp và bình an nhất khi thời gian nghỉ chế độ đã đến.
Đăng ký thành viên